Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2010

Trào lưu "vượt biên' của các tỉ phú Trung Hoa

- Trích Báo Kinh tế Quan sát và tổng hợp; Bắc Kinh -

Ông Lưu Thanh Sơn không hề có khái niệm về Liên bang Saint Kitts và Nevis nằm ở đâu trên bản đồ thế giới. Nhưng hình ảnh quảng cáo trong lá thư mời của một công ty chuyên giúp các doanh nhân Trung Hoa di cư thu hút ông. Ông tra Google và biết đó là một quần đảo năm trên biển Caraibê, một trong những thiên đường thuế quan, thuộc Khối thịnh vượng chung Anh, việc nhập quốc tịch nước này sẽ không mấy khó khăn, và nó sẽ mở ra nhiều cánh cửa tới các quốc gia tiên tiến khác.

Tranh của Oliver Schopf, Nebelsplalter (Thụy Sĩ).

Ông Lưu năm nay 48 tuổi, ông có một nhà máy sản xuất đồ thủy tinh tại Thượng Hải. Tài sản của ông ước tính khoảng vài trăm triệu Nhân dân tệ. Ông đến buổi giới thiệu của công ty trên vì tò mò là chính. Và ông ngạc nhiên khi trong phòng hội nghị có rất nhiều người như ông. Trên ghế ngồi có đặt sẵn cuốn calalogue giới thiệu bán các villa ở Saint Kitts và Nevis khoảng 700.000 USD, thêm một loạt thủ tục hành chính mà công ty sẽ hỗ trợ làm giúp, đấy là điều cần đủ để có được tâm hộ chiếu của Liên bang này. Ông Lưu đã bắt đầu có ý định di cư sang ngoại quốc từ vài năm trở lại đây. Với các điều kiện mà công ty trên đưa ra khiến ông thêm phân vân hơn bao giờ hết.

Lí Từ, giám đốc điều hành của công ty Maslink, công ty chuyên giúp các doanh nhân Trung Hoa ra đầu tư và định cư ở nước ngoài nói về trào lưu mới này: "Vấn đề hoàn toàn xuất phát từ quan điểm các doanh nhân tư nhân Trung Hoa thường bị xã hội mặc định một hình ảnh rất xấu. - Giàu có đi đôi với trốn thuế và đưa hối lộ. Trong khi các điều kiện đầu tư ở Trung Quốc trên thực tế không phải là tốt. Chưa có sự cạnh tranh công bằng giữa khu vực nhà nước và tư nhân. Thuế rất cao nếu thực sự "đàng hoàng" mà tính. Cũng như nguy cơ xã hội không ổn định. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng xâu hơn. Ở một nước mà quá khứ về "Cuộc cải cách ruộng đất" cũng như "Cách mạng Văn hóa" chưa phải quá xa. Ngay cả khi chúng ta đã ở thế kỷ 21, chúng ta vẫn có nguy cơ một ngày nào đó phải đối mặt với một cuộc đấu tranh đòi công bằng xã hội của người nghèo chống lại người giàu."

Làn sóng di cư bắt đầu sau vụ ám sát tỉ phú Lí Hải Cường, trùm sắt thép tỉnh Sơn Tây, tài sản đứng thứ 27 Trung Hoa, vào thời điểm năm 2003. Các tỉ phú Trung Hoa đã bắt đầu tính một đường lui cho mình. Sau vụ khủng hoảng kinh tế, nhiều công ty quốc doanh đã phải tự cứu lấy bản thân mình bằng việc lấn lại thị phần của các doanh nghiệp tư nhân khiến điều kiện làm ăn ngày càng khó khăn hơn với nhiều nhà tài phiệt. Các biện pháp triệt hạ mảng doanh nghiệp tư nhân bao gồm việc lôi ra ánh sáng nhiều sai phạm của các công ty này, tiêu biểu nhất là án tù 14 năm đối với Hoàng Quang Dụ, người giàu nhất Trung Quốc, chủ tịch tập đoàn bán đồ điện tử GOME.

Nhà nghiên cứu tài chính Ngô Tiểu Bắc phát biểu: "Hiện nay, số lượng các doanh nhân quyết định ra đi vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ, nhưng trào lưu ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Có thể nói bước ngoặt là vào thời điểm năm 2004, khi một số doanh nghiệp tư nhân đủ tiềm lực đã bỏ mảng gia công sản phẩm và quyết định nhảy sang đầu tư vào các lĩnh vực tài chính và năng lượng, vốn được nhà nước bảo hộ rất mạnh. Việc xung đột quyền lợi giữa hai khu vực quốc doanh và tư nhân khiến một số người cuối cùng phải nản trí và quyết định ra đi. Vụ Hoàng Quang Dụ lại càng chứng minh là gió có thể đổi chiều bất cứ lúc nào đối với các tỉ phú Trung Quốc. Vậy để tự bảo vệ mình, nhiều người đã chọn một giải pháp hạ cánh an toàn hơn.

- Zhang Hong, Li Li và Zhang Bin -

Không có nhận xét nào: