Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Chiến tranh theo cách của Obama

- Trích The New York Times; New York -


Tổng thống Hoa Kỳ đã thành công trong việc giúp nước Mỹ bắt đầu một cuộc chiến theo cách khôn ngoan hơn nhiều những người tiền nhiệm.


Trong suốt một tháng trước khi chúng ta bước vào cuộc chiến chống lại Muammar Kadhafi, Obama đã cho chúng ta thấy nghệ thuật của một chính phủ tả khuynh khi chuẩn bị một cuộc chiến sẽ như thế nào. Cách đây 10 ngày, khi phe đối lập Libya bắt đầu bị dồn ép liên tục, bề ngoài có vẻ như Obama vẫn không muốn nước Mỹ nhúng tay vào cuộc nội chiến này. Nhưng trên thực tế, ngay từ đầu, Tổng thống đã chuẩn bị phương án cho Hoa Kỳ tham chiến. Ông chỉ muốn chúng ta sẽ tham gia chiến dịch lần này trong khuôn khổ một liên minh có nhiều đối tác nhất có thể, hơn là cư xử như những chàng cao bồi. Và chính phủ của ông đã thành công. Trong giai đoạn đầu tiên này, cuộc chiến tại Libya mang hình ảnh để phục vụ một lý tưởng cụ thể chứ không phải ta đang đi can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia khác. Nó được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như Liên đoàn Ả Rập thông qua và ủng hộ. Lần này là một cuộc chiến theo yêu cầu của các nhà ngoại giao dưới quyền Hillary Clinton, chứ không phải các sĩ quan của Lầu năm góc dưới quyền Robert Gates. Nó có những mục đích nhân đạo, hơn là chỉ để bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ. Cũng không phải Không lực hay Hải quân của chúng ta khai hỏa đầu tiên, mà là Không quân Pháp.

Lần can thiệp lần này, đặc biệt giống chính sách dưới thời tổng thống Bill Clinton, đánh dấu sự chấm hết của chính sách đơn phương áp dụng dưới thời chính quyền Bush. Lần này, không có cái kiểu tuyên chiến như "Nếu quý vị không ủng hộ chúng tôi, thì quý vị đích thị là khủng bố". Ngược lại, Nhà Trắng đang tôn trọng tối đa các Tổ chức quốc tế cùng các đồng minh, việc mà chính quyền Bush chẳng mấy khi để tâm.

Cách tham chiến này có những ưu điểm rõ rệt. Nó buộc các quốc gia khác phải chia sẻ gánh nặng chiến tranh với chúng ta, củng cố liên minh hơn là đặt chúng ta vào tình thế bị cô lập. Nó buộc các nước châu Âu cũng phải tham gia vào quá trình gìn giữ sự ổn định trên toàn thế giới, thay vì chỉ biết khoanh tay ngồi một chỗ rồi vẫn chỉ trích Hoa Kỳ.


Nhưng một cuộc chiến theo cách này không phải là không có những nhược điểm. Nó đòi hỏi luôn phải tìm được một giải pháp trung gian để thỏa mãn được tất cả các bên tham chiến. Mọi việc thường được quyết định chậm chạp. Một cuộc chiến mà mọi phía đều chắp một tay đằng sau lưng, thiếu sự toàn lực để đảm bảo chiến thắng cuối cùng.

Nếu nhìn lại kết quả của những cuộc chiến cuối cùng được chúng ta tiến hành theo đường lối tả khuynh. Như năm 1992 khi chúng ta can thiệp vào Somalia, dư luận đã quay lưng lại ngay khi phát hiện "các hoạt động nhân đạo", "phân phát hàng cứu trợ", đây vẫn là một cuộc chiến đi kèm những hoạt động và thiệt hại quân sự. Còn tại Nam Tư cũ, trong vòng hai năm, việc thực thi vùng cấm bay chẳng giải quyết được việc gì khi chiến tranh vẫn tiếp diễn.

Mục tiêu của lần can thiệp này cũng chưa thực sự rõ ràng: trong khi Tổng thống Obama chính thức bày tỏ quan điểm Kadhafi phải từ bỏ quyền lực, thì Đô đốc Mike Mullen, Tổng tham mưu trưởng, lại không loại phương án rằng nhà lãnh đạo Libya có thể vẫn sẽ tiếp tục cầm quyền. Mọi hành động của chúng ta cũng gói gọn trong khuôn khổ Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, việc cấm đưa bộ binh tham chiến, điều mà Obama cũng mong muốn. Các đối tác của chúng ta còn mập mờ hơn. Như Amr Moussa, Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập, trong vòng 24 giờ đã phát biểu hai luồng ý kiến hoàn toàn trái ngược nhau.

Thời gian để hình thành một liên minh, thì Kahdafi đã cũng cố lại vị thế của mình, để nếu bây giờ có một lệnh ngừng bắn, Kahdafi sẽ kiểm soát phần lớn lãnh thổ Libya. Như Đô đốc Mullen cũng phải thừa nhận, cuộc chiến này có nguy cơ rơi vào ngõ cụt, và nhà độc tài Libya vẫn sẽ giữ được quyền lực của mình. Một "cuộc chiến có ít rủi ro nhất có thể" thường chứng minh điều ngược lại. Barack Obama đang muốn đặt cược vào việc lần này sẽ là một ngoại lệ của điều đó.

Ross Douthat

Các bài liên quan:

Không có nhận xét nào: