Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

Bài trả lời phỏng vấn cuối cùng của Ngải Vị Vị trước khi bị bắt

- Trích Süddeutsche Zeitung; Munich -

Đôi dòng giới thiệu về ông Ngải Vị Vị: Là con nhà báo, nhà thơ nổi tiếng Ngải Thanh, một vị lão thành cách mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Ngải Vị Vị được đi du học ở Mỹ và có một thời gian sống tại New York.

Ông về nước và trở thành một nhân vật danh tiếng trong phong trào nghệ thuật mới của nước Trung Hoa thời Khai phóng, là một trong những nghệ sĩ Trung Hoa được biết tới nhiều nhất tại nước ngoài. Không chỉ là người thiết kế sân vận động hình Tổ Yến cho Olympics tại Bắc Kinh, ông còn là nhà bình luận nhiều vấn đề xã hội Trung Quốc.

Ngải Vị Vị là một nghệ sĩ, nhà hoạt động, và nhà triết học người Hoa hoạt động tích cực trong lĩnh vực kiến trúc, nhiếp ảnh, phim ảnh, phê bình văn hoá và xã hội. Ông đã hợp tác với các kiến trúc sư Thuỵ Sĩ Herzog & Meuron với tư cách là cố vấn nghệ thuật cho công trình Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh xây trong sự kiện thế vận hội 2008. Bênh cạnh lĩnh vực nghệ thuật, ông còn tham gia điều tra tham nhũng ở nhiều đề tài nhức nhối trong xã hội, như ông phơi bày các vụ scandal tham nhũng trong việc xây dựng các trường học ở Tứ Xuyên bị sập đổ trong trận động đất năm 2008, khiến hơn 5000 học sinh thiệt mạng. Ngày 3 tháng 4 năm 2011, công an Trung Quốc đã bắt giữ ông tại sân bay Bắc Kinh và xưởng vẽ của ông ở thủ đô bị niêm phong. Trước đó, xưởng vẽ của ông tại Thượng Hải cũng bị phá sập với lý do không có giấy phép xây dựng.

Trước khi bị bắt vài ngày, ông đã có buổi trả lời phỏng vấn tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung


Các dự án hiện tại của ông đang là gì thưa ông?

Tôi đang chuẩn bị cho cuộc triển lãm tại Bảo tàng Mỹ Thuật Đài Loan. Nó sẽ được khai mạc vào ngày 29 tháng 10 sắp tới.

Đây có lẽ là lần đầu tiên ông tổ trức triển lãm tác phẩm tại Đài Loan, có đúng vậy không thưa ông?

Còn hơn thế nữa. Nếu Đài Loan đúng là một phần không thể tách rời của Trung Hoa Đại lục, như chính quyền vẫn khẳng định, thì đây là lần đầu tiên tôi có triển lãm chính thức tại Trung Quốc (cười). Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ được phép làm điều này.

Nhưng gần đây ông đã từng thử, như đáng lẽ ra trong tháng ba vừa rồi, ông đã có cuộc triển lãm tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Ullens, tại Bắc Kinh.

Vâng. Nhưng cuộc triển lãm đã bị ngăn cản. Tôi đã làm việc trong vòng một năm rưỡi cho cuộc triển lãm này, trước khi nó bị cấm. Xưởng của tôi tại Thượng Hải bị phá tan tành [vào tháng 1 năm 2011].

Tình hình có trở nên khó khăn hơn đối với các nghệ sĩ chỉ trích chính quyền?

Gần đây, họ có thể bỏ tù một người chỉ vì anh ta viết gì đó trên twitter hay blog. Họ cắt điện thoại, theo dõi, khám nhà giữa đêm. Sau đó họ sản xuất những bằng chứng chống lại bạn tại tòa án. Họ kết án những người vô tội 10 năm tù giam. Như người cuối cùng là Lưu Hiền Bân [nhà hoạt động nhân quyền vừa bị kết án ngày 25 tháng ba 10 năm tù giam vì tội "kích động lật đổ nhà nước"].

Ông cũng lên tiếng ủng hộ những người đấu tranh ở nhiều đề tài nhức nhối trong xã hội, như những người muốn điều tra tại sao có nhiều trường học ở Tứ Xuyên bị sập đổ đến vậy trong trận động đất năm 2008.

Như Đàm Tác Nhân [tác giả một hồ sơ điều tra về nguyên nhân sập đổ của các ngôi trường, bị kết án 5 năm tù vào tháng 2 năm 2010]. Tôi ủng hộ những người như vậy. Những người sẽ ngồi tù nhiều năm. Một số khác chỉ đơn giản là biến mất. Gia đình họ không có tin tức gì. Không một ai có thể biết hiện tại họ đang ở đâu [hàng chục người đã biến mất như vậy trong hai tháng vừa qua trong đó có nhiều luật sư]. Thử hỏi chúng ta đang sống trong một xã hội như thế nào?

Trong khi đó, một triển lãm Đức đang được tổ chức tại Quảng trường Thiên An Môn với tên gọi "Nghệ thuật của thế kỷ Ánh sáng". Ông nghĩ gì về điều này?

Đây là một sự mỉa mai tếu táo khi một cuộc triển lãm mang tên "Nghệ thuật của thế kỷ Ánh sáng" lại được tổ chức tại Quảng trường Thiên An Môn, vì người Trung Quốc chúng tôi đang sống trong "kỷ nguyên của Bóng tối". Sự phát triển kinh tế khiến cuộc sống vật chất của người dân được cải thiện. Nhưng, tại Trung Quốc, chúng tôi đang ở mực độ thấp nhất của tự do ngôn luận, tự do sáng tạo nghệ thuật. Đây là điểm đáy mới của xã hội của chúng tôi.

Ông đã một lần bị cảnh sát đánh trọng thương đến mức phải sang Munich phẫu thuật chống chảy máu não vào tháng 9 năm 2009. Trước sự đàn áp như trên, liệu đã bao giờ ông nghĩ tới việc sẽ đi di cư?

Không. Không bao giờ. Nhưng tôi thường gặp ác mộng. Lần cuối cùng là cách đây hai ngày. Tôi thấy mình đang trong cuộc họp của một dạng tổ chức mật, nhiều người khóc, tôi ghi lại tất cả. Nhưng rồi tôi lại không được nói ra tất cả những gì mình đã ghi lại được. Tôi có cảm giác giấc mơ kéo dài suốt cả đêm như vậy. Nhưng điều ngạc nhiên là có rất nhiều khách du lịch khắp mọi nơi. Họ nhìn thấy tất cả nhưng chẳng làm gì cả. Như điều mà họ nhìn thấy là một việc bình thường vậy.

Ông vẫn không có ý định sẽ đi di cư.

Không, đấy là điều cuối cùng mà tôi sẽ nghĩ tới. Cán bộ an ninh của chính phủ cũng đã khuyên tôi điều này khi họ thẩm vấn tôi. Họ nói tốt hơn hết là tôi nên ra nước ngoài, tôi là một nghệ sĩ có tiếng, ở đây sẽ nguy hiểm cho tôi. Nhưng điều đó là điều cuối cùng mà tôi nghĩ tới.

Ngay cả khi ông trực tiếp bị đe dọa?

Tôi biết việc mình ở lại sẽ nguy hiểm. Nếu đọc lại lịch sử đất nước tôi, những ai đặt lại câu hỏi về chính quyền thường không có cái kết tốt đẹp.

Ông có nghĩ rằng một nghệ sĩ tại Trung Quốc ngày nay có thể góp phần làm thay đổi xã hội, như thế kỷ Ánh sáng đã làm được tại châu Âu.

Rất hạn chế. Với nước Trung Quốc chính thức, thì tôi không tồn tại nữa. Nếu bạn tìm tên tôi trên internet, thì bạn sẽ nhận được một thông điệp báo lỗi. Tôi đã được làm "hài hòa" [Thuật ngữ vui để chỉ việc bị kiểm duyệt trên internet]. Nhưng tôi có 70.000 fan trên Twitter, mà với một số thủ thuật công nghệ vẫn có thể đọc được tại Trung Quốc. Tôi vẫn bình luận các vấn đề xã hội, để mọi người thấy là ngọn lửa còn chưa tắt, vẫn còn những tia sáng. Nếu nó cũng tắt nốt, quả là sẽ quá buồn.

Ông là một trong những người Trung Quốc hiếm hoi không ngại trả lời thẳng thắn báo chí quốc tế. Ông có ngại rằng điều này về lâu về dài sẽ khiến ông gặp nguy hiểm?

Có. Tôi vẫn luôn hỏi là tại sao truyền thông nước ngoài không chọn phỏng vấn một người khác. Điều này sẽ tốt hơn rất nhiều đối với tôi. Nếu có một người khác như tôi, gánh nặng trên vai tôi sẽ giảm một nửa. Nếu có 10 người như tôi, gánh nặng của tôi sẽ giảm xuống 10 lần. Nhưng hiện tại chỉ có một mình tôi. Cũng thú vị. Nhưng tôi cũng rất sợ.

Bố của ông, nhà thơ nổi tiếng Ngải Thanh, đã bị cầm tù và tra tấn dưới thời Quốc Dân Đảng, sau đó, bị Mao Trạch Đông cho đi cải tạo và cấm xuất bản trong vòng 20 năm. Với những gì đang xảy ra đối với giới tri thức hiện tại tại Trung Quốc, liệu chúng ta có thể kết luận rằng chẳng có sự tiến bộ nào trong lĩnh vực tự do cá nhân cả.

Đúng vậy. Không có sự tiến bộ nào. Vì vẫn cùng một nguyên nhân đấy: Người có quyền lực không muốn nghe lời chỉ trích. Họ muốn nghiền nát chúng. Họ không bao giờ muốn có một cuộc đối thoại thẳng thắn. Tại sao cùng ngồi xuống và trao đổi ý kiến với nhau lại khó khăn đến vậy?

Cuộc triển lãm "Nghệ thuật của tự do" là một dịp để thực hiện điều này. Nó có kèm một cuộc đối thoại với các nghệ sĩ. Ông có được mời không thưa ông.

Không, tôi không chính thức được mời. Tôi nghĩ là những người Trung Hoa tham dự việc tổ chức không muốn tôi có mặt. Sẽ là làm khó cho Bộ Văn hóa. Trong khi đây là một việc nên làm. Họ nên mời tôi.

Nhưng nếu các đối thoại không thực sự mở, thì nó có còn ý nghĩa nữa không?

Nó vẫn tốt hơn là không có gì cả. Nước Đức luôn có những điều đẹp để trình bày. Vấn đề là làm sao kết nối được những điều đó với thực tế hiện tại. Nếu không nó chỉ là một nghĩa cử giữa hai chính phủ. Chúng tôi, người Trung Quốc, đã sẵn sàng chấp nhận những giá trị của thế kỷ Ánh sáng hay chưa. Hai thế kỷ sau, chúng tôi vẫn chưa sẵn sàng. Nên chính vì vậy cuộc triển lãm về thế kỷ Ánh sáng được tổ chức ở đây là một điều hay. Vì tình hình tại Trung Quốc bây giờ rất điên rồ, nếu phải đặt một cái tên cho nó, tôi sẽ gọi là "Kỷ nguyên rồ dại".

Henrik Bork

Không có nhận xét nào: