Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Nước Pháp ngày nay: Cuộc sống một gia đình Pháp năm 2011

- Trích The Guardian; London -

Người Pháp sống như thế nào vào năm 2011. Để trả lời cho câu hỏi này, Jon Henley, cựu phóng viên thường trú của tờ the Guardian đã sống một tuần cùng một gia đình Pháp bình thường, gia đình nhà Roussel, gần Bordeaux.


"Nào chúng ta cùng đi chợ", Thiery Roussel nói với tôi cùng vợ của anh. Anh ngồi xuống bàn ăn và mở máy tính xách tay, rồi truy cập vào trang Auchan Drive. "Anh đã nói muốn cùng chúng tôi đi chợ mà", Isabelle, vợ của Thierry nói với tôi, "đây là cách chúng tôi mua sắm".

Lúc này đã là 22 giờ đêm ngày thứ 5, tại nhà của gia đình Roussel, ở làng Cenac, một ngôi làng nhỏ nằm giữa các cánh đồng trồng nho cách Bordeaux khoảng 15 km. Hai đứa con nhỏ, Rémi, 9 tuổi, và Mélanie, 13 tuổi đã đi ngủ. Người con cả, Guillaume, 15 tuổi, đang cùng trường sang London. Đi chợ qua Internet? Ngay cả để mua thực phẩm hàng ngày? Vậy họ không còn bao giờ ra tiệm bánh mì (boulangerie*), tiệm tạp hóa của làng (épicerie*) hay cửa hàng bán thịt (boucherie*) nữa sao?

Không, không, Isabelle trả lời, họ vẫn mua thịt tại cửa hàng bán thịt một lần một tuần, hoa quả và rau tại chợ trời sáng ngày chủ nhật, vẫn mua bánh mì tại tiệm bán bánh mì của làng hàng ngày. "Nhưng mọi thứ còn lại, chúng tôi mua qua Internet. Như vậy chúng tôi chỉ mua những thứ thật cần thiết được ghi trước trên một danh sách." Nhà Roussel chưa thuộc diện có kinh tế thực sự khó khăn, nhưng họ phải cẩn trọng trong mọi chi tiêu. Họ để ý đến tổng số tiền được ghi trên màn hình vi tính, kiểm tra kỹ các sản phẩm được giảm giá hay khuyến mại và không bao giờ mua các sản phẩm đắt nhất.

Có một điều chắc chắn rằng, trong một chừng mực nào đó, nước Pháp vẫn là một nơi có cuộc sống tương đối dễ chịu. Thierry vẫn luôn làm việc từ 60 cho đến 70 tiếng một tuần. Dậy từ lúc 4 h sáng và về nhà lúc 22 h đêm. Cho tới tháng 12 năm 2009, anh phụ trách một bộ phần trong một siêu thị lớn tại Bordeaux: đây là một vị trí tương đối quan trọng và anh có 14 người dưới quyền. Khi đó anh 45 tuổi và đã đi làm được 22 năm.


Vào một đêm tháng 12 năm 2009, Thierry tới siêu thị từ 3 giờ sáng để dọn dẹp và sắp xếp lại cửa hàng sau đợt nghỉ lễ Noel thì bỗng thấy đau quằn quại, sau anh phát hiện bị suy thận và trải qua 4 ca phẫu thuật. Tới tháng 2 năm 2010, khi đang trong giai đoạn nghỉ ốm, anh nhận được thư cho thôi việc. Hai tuần sau anh chính thức bị sa thải với lý do đã mắc lỗi nghiêm trọng. Mọi thứ đều được dàn dựng cả, Thierry khẳng định: công ty chẳng có gì để quy trách nhiệm cho anh cả (ngay trước khi bị phát hiện có vấn đề về sức khỏe, anh còn được đề bạt thăng chức). Nhưng trong ngành kinh doanh siêu thị ở Pháp, môi trường làm việc rất khắc nghiệt. Giá cả luôn phải thấp nhất. Mỗi một cent cần được tính toán tiêu đúng chỗ. Khi một nhân viên trên 40 tuổi, anh lại có vấn đề về sức khỏe, anh có nguy cơ tốn rất nhiều tiền của công ty.

Sau bữa ăn trưa, Thierry cho tôi xem tập hồ sơ xin tìm việc lại của anh, dày 8 cm, mỗi tuần anh gửi khoảng 10 bộ hồ sơ trong suốt 1 năm nay. Tổng cộng anh có 7 lần được gọi đi phỏng vấn, và khoảng từ 2 đến 3 đề nghị tuyển dụng, hầu hết ở các siêu thị nhỏ, với mức lương bằng một nửa khi trước. Hiện tại anh vẫn chưa chấp nhận các đề nghị này, anh vẫn ăn lương thất nghiệp. Người Pháp được quyền hưởng lương thất nghiệp ở mức 60 % số lương cũ trong vòng 2 năm sau khi thôi viêc, trước đây là 70 %.

Vì bị sa thải do "mắc lỗi nghiêm trọng", nên Thierry chỉ ăn lương thất nghiệp ở mức 54 % lương cũ, anh vẫn được quyền nhận lương thất nghiệp thêm một năm nữa. Tình hình kinh tế gia đình chưa đến nỗi khó khăn, vì Isabelle là công chức nhà nước làm việc cho vùng. Làm công chức nhà nước là một trong những điều mà người Pháp ưu chuộng nhất. "Tất nhiên là có những ưu điểm", Isabelle tâm sự, "nhưng cũng ngày càng có nhiều câu hỏi được đặt ra hơn, như về thời gian đi làm trước khi được hưởng lương hưu. Tôi không phản đối việc ta phải đi làm lâu hơn để được về hưu, vì con người ta ngày nay có tuổi thọ lâu hơn. Nhưng đồng lương hưu cũng phải được cải thiện để ta có cảm giác chúng ta phấn đấu cả đời để có một phần thưởng xứng đáng."

Tổng thu nhập của nhà Roussel là khoảng 3000 euro mỗi tháng, trước thuế. Nhưng họ cũng chẳng phải đóng nhiều thuế lắm. Họ có ba con và được hưởng nhiều chế độ đối với các gia đình đông con. Họ cũng được hưởng 480 euros tiền trợ cấp hàng tháng vì điều này. Mỗi tháng, họ cũng trả cho ngân hàng 800 euros tiền vay trả góp hồi xây nhà. Một ngôi nhà lớn với 3 phòng ngủ. Tiền học cho các con khoảng 300 euros: cả Mélanie và Guillaume đều học ở các trường tư tại Bordeaux.

Như nhiều gia đình Pháp, nhà Roussel sống tiết kiệm và không bao giờ tiêu quá số tiền mà mình kiếm được. Mỗi tháng, họ dành vài trăm euros gửi vào tài khoản tiết kiệm hay bảo hiểm nhân thọ, vậy là ít hơn trước nhưng vẫn chấp nhận được. Trước, họ thường đi nghỉ tại biển Địa Trung Hải. Nhưng giờ đây, theo giải thích của Isabelle, giá mỗi tuần thuê nhà tại biển Địa Trung Hải là 900 euros, họ chuyển sang đi nghỉ tại căn hộ mùa hè mà bố mẹ Isabelle đã mua nằm trong dãy Pyrénees.

Cả Thierry và Isabelle đều gần gũi với bố mẹ của mình. Bố của Thierry, một quân nhân hưu trí có lương hưu cao nên rất chiều các cháu. Mélanie và Guillaume phải cảm ơn ông nội về hai cái máy tính xách tay mới của mình. Vài ngày sau tôi gặp mẹ Isabelle, bà sống ở một căn nhà khác cùng làng với con gái và con rể. Bên tách café, bà mỉm cười khi nghe những nhật xét của tôi về tổng thống Sarkozy. (Isabelle đã bầu cho Sarkozy vào năm 2007, nhưng bây giờ, cô nghĩ rằng "đấy là một gã hề gần tệ bằng Berlusconi".

Nhà Roussel có nghĩ rằng mình có thể đại diện cho hình ảnh nước Pháp ngày hôm nay? Có, Thierry trả lời. "Chúng tôi ở mức trung bình, nên chúng tôi không quan tâm đến chính trị. Nếu bạn nghèo, bạn sẽ được hưởng nhiều quyền lợi và trợ cấp. Nếu bạn giàu, bạn sẽ được nhiều quyền lợi vì là bạn bè với Sarkozy. Tôi chưa bao giờ được hưởng chế độ 35 giờ làm việc mỗi tuần của Đảng Xã hội. Tôi cũng chưa bao giờ được thấy điểm tích cực của chính sách làm việc nhiều hơn để hưởng lương cao hơn của Sarkozy. Chúng tôi đóng tiền cho mọi thứ. Chịu mọi thứ thuế. Có đồng lương thật thấp. Và không có hy vọng rằng điều này sẽ thay đổi."

Còn về cuộc tranh luận liên quan đến các vấn đề nhập cư? Nó thật "lố bịch", Thierry nói: "Gần như toàn bộ người Pháp không còn 100 % máu Pháp, chúng tôi có tối thiểu một tổ tiên là người nước ngoài nhập cư. Nên nói nước Pháp chỉ dành cho người Pháp thì làm sao mà có thể là một chương trình chính trị nghiêm túc." Nhưng anh đoán Marine Lepen sẽ giành được một số lượng phiếu cao. Họ có còn tự hào là người Pháp? "Tất nhiên là vẫn chứ", Isabelle khẳng định. "Tôi nghĩ rằng chúng tôi có một tổ quốc đã đấu tranh để bảo vệ nhiều giá trị. Chúng tôi không ủng hộ chủ nghĩa kinh tế tư bản tự do, chúng tôi nghĩ rằng phải bảo vệ người dân trước nền kinh tế thị trường. Điều gì xảy ra nếu trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa rồi, chúng tôi là người Mỹ. Chúng tôi đã ra đường. Nhưng chúng tôi vẫn đang ngồi kêu ca, vì chúng tôi là người Pháp. Chúng tôi ít khi nào nhận thức được về may mắn mà mình có. Sợ nhất là nếu như bây giờ chúng tôi vứt bỏ hết điều này. Cải cách là cần thiết, nhưng không phải với bất kỳ giá nào. Chúng tôi trả đủ nhiều thuế để hy vọng có một môi trường sống tốt. Nhưng tôi lo ngại mọi thứ rồi sẽ khác. Tôi thực sự sợ điều này."

* Viết bằng tiếng Pháp trong bản gốc.

Jon Henley

Không có nhận xét nào: